Nhiều "ông lớn" thương mại điện tử đang bước vào cuộc đua mới - tối ưu thời gian giao hàng, từ vài ngày xuống vài giờ, thậm chí 60 phút.
Cuộc cạnh tranh thời gian trên thị trường giao nhận thương mại điện tử ngày càng khắc nghiệt. Nếu "ông lớn" DHL tuyên bố giao hàng trong ngày, Lazada mở dịch vụ hoả tốc, Tiki Now giao trong 2 giờ thì Ship60 - một startup đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn tự tin cam kết giao trong 60 phút. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, 60 phút được coi là thử thách "khó nhằn", ngay cả dịch vụ giao nhanh của Amazon Prime cũng thường giao hàng trong 2 giờ.
Đây là cuộc đua tranh không tránh khỏi khi thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong 3 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đã tăng 30% - tương đương mức trung bình năm 2017.
Sau giá cả, thời gian giao hàng cũng là yếu tố quyết định để người dùng chọn lựa sản phẩm của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Theo khảo sát của KPMG năm 2017 với hơn 18.000 người tiêu dùng tại 51 nước (trong đó có Việt Nam), 34% số người nói rằng thà đi mua trực tiếp còn hơn đặt hàng online vì sợ thời gian giao hàng quá chậm. Bên cạnh đó, nếu là thực phẩm tươi sống, thời gian giao hàng là yếu tố "sống còn" với doanh nghiệp làm thương mại điện tử.
Rút ngắn thời gian giao nhận trở thành vấn đề sống còn với các sàn thương mại điện tử.
|
Ở Việt Nam, dù cuộc đua mới bắt đầu và đang nóng hơn bao giờ hết, tiềm năng dành cho ngành logistics vẫn còn rất lớn. Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics tại Việt Nam còn khá cao trong khu vực - khoảng 16,8%, so với Châu Á Thái Bình Dương (12,5%), Thái Lan (15%), Singapore (8,5%).
Theo ông Phùng Khắc Huy, CEO của Ship60, ngành logistics của Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa thể được đánh giá là chuyên nghiệp. "Nguyên nhân là các hãng vận chuyển lớn đang sử dụng mô hình truyền thống ảnh hưởng đến thời gian vận hành. Đặc biệt, còn thiếu việc ứng dụng các nền tảng công nghệ - vốn là nền móng mà các hãng vận chuyển hàng đầu thế giới ứng dụng để tối ưu toàn bộ quy trình vận hành", ông phân tích.
Theo ông Huy, mục tiêu giao hàng trong 60 phút của Ship60 gần như không thể đạt được nếu như không có sự can thiệp của công nghệ.
Công nghệ mang lại nhiều lợi thế cho giao nhận thương mại điện tử. Ảnh: Ship60
|
Kinh tế chia sẻ theo mô hình của Uber và Grab tạo nên làn sóng mới cho các doanh nghiệp giao hàng công nghệ như Ship60. Mô hình giúp các doanh nghiệp giao nhận tận dụng tối ưu lượng phương tiện lưu thông sẵn có, tiết kiệm chi phí điều hành và quản lý nhân viên hay loại bỏ hoàn toàn mô hình bưu cục, trạm thu nhận - điều các mô hình giao nhận truyền thống chưa làm được.
"Sử dụng hệ thống máy học (machine learning), phân tích dữ liệu lớn (big data) cùng dữ liệu giao thông trên nền tảng Google Maps, chúng tôi có thể dự đoán các khả năng xảy ra về tình trạng giao thông, thời điểm nào là tắc đường, dự đoán thời gian các đơn hàng sẽ phát sinh. Các dữ liệu vẫn được hệ thống chúng tôi học hỏi và tích lũy hàng ngày để đưa ra dự đoán chính xác nhất. Dựa vào những thông tin này, hệ thống Ship60 sẽ đưa ra lộ trình giao hàng hợp lý nhất qua các giải thuật tối ưu đường đi", ông Phùng Khắc Huy chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải cứ áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ là bài toán giao hàng được giải quyết. Ngay trong phân khúc vận tải, các doanh nghiệp đi đầu như Uber, Grab cũng gặp không ít khó khăn trong khâu quản lý. Trong giao nhận, nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp thương mại điện tử lúng túng như giao nhầm, mất, hỏng hay đơn hàng bị "treo" những ngày lễ, Tết.
Phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy, tập trung vào logistics giúp doanh nghiệp thương mại điện tử bắt nhịp với nhu cầu của thị trường, từ đó tăng doanh thu. Theo nghiên cứu của Euromonitor, JD - đối thủ bán lẻ trực tuyến của Alibaba tại Trung Quốc đã giành được thêm 5% thị trường vào năm 2015 khi tung ra dịch vụ giao hàng trong ngày tới 43 thành phố và trong ngày kế tiếp với số đông các thành phố còn lại.
Khi cam kết về thời gian còn là bài toán khó, việc vận hành bộ máy giao nhận càng tốn nhiều nguồn lực và chi phí. Theo CEO Ship60, một đối tác logistics thứ 3 (3PL) có kinh nghiệm về công nghệ giao nhận sẽ giúp các doanh nghiệp gác lại hàng trăm nỗi lo về khâu giao hàng, đặc biệt là tiết kiệm nhiều chi phí xây dựng đội ngũ giao nhận riêng.
Ông Phùng Khắc Huy cho biết, Ship60 là một trong những công ty đầu tiên áp dụng phương thức "tailor-made", tức là đáp ứng công nghệ chuyên biệt theo cơ cấu và cách vận hành từng công ty. Phương thức này đã thành công khi Ship60 bắt tay với Lazada cho dịch vụ giao hàng hỏa tốc (express) ở Việt Nam và luôn giữ tỉ lệ giao hàng thành công cao trong số những thị trường Lazada triển khai dịch vụ.
Ưu thế về kinh nghiệm và công nghệ của 3PL sẽ giúp doanh nghiệp thương mại điện tử gác lại nỗi lo về giao hàng và tập trung phát triển sản phẩm. Ảnh: Ship60.
|
Với phương thức này, doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô bất cứ lúc nào mà không cần lo lắng hệ thống giao hàng của mình bị ảnh hưởng. "Thực tế cho thấy, Ship60 đã áp dụng thành công công nghệ với nhiều đối tác thương mại điện tử luôn đòi hỏi tốc độ tăng trưởng mạnh và liên tục thay đổi chiến lược theo từng thời kì như Lazada, Vascara, Concung hay Qmart", CEO Ship60 bổ sung.
Theo dự đoán của VECOM, tốc độ tăng trưởng trên 30% của thương mại điện tử Việt Nam có thể sẽ được duy trì tới 2020. Với dự đoán thị trường logistics sẽ ngày càng nhộn nhịp cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Huy cho rằng công nghệ là điểm cốt lõi để các doanh nghiệp giành lợi thế trong cuộc đua này.
"Với hàng tỷ thông tin của lĩnh vực giao hàng, quản lý thủ công đã rất khó, chưa nói đến xử lý số liệu và dự đoán hàng loạt tình huống có thể xảy ra. Theo tôi, công nghệ, với khả năng xử lý tối ưu các quy trình là yếu tố quan trọng nhất mang lại thành công cho các doanh nghiệp thương mại điện tử", ông Huy kết luận.
Nguồn: VNE
Xem thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét